Lâu nay hệ thống lưới điện trên địa bàn thành phố ở vào tình trạng giăng mắc la liệt như tơ trời. Đó là hơn 393km lưới điện 110kV; ngót nghét 4.000km lưới điện trung thế 15kV và gần 9.000km lưới hạ thế.
Nhưng sẽ là không công bằng nếu “đổ” hết trách nhiệm cho ngành điện như là thủ phạm. Bởi vì hình ảnh dây nhợ chằng chịt lơ lửng trên đầu còn có sự “đóng góp” của nhiều loại dây thông tin khác như dây cáp điện thoại, cáp quang Internet, dây cáp phục vụ chiếu sáng…
|
Chằng chịt dây cáp viễn thông trên các trụ điện ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Đức Trí |
Trước đây thành phố cũng đã tiến hành ngầm hóa lưới điện, nhưng làm chưa đồng bộ và thiếu định hướng dài hạn. Cho đến nay, chỉ mới ngầm hóa chưa đầy 1.000km lưới điện, chiếm tỷ lệ 31% toàn mạng lưới điện. Phân bổ lưới điện ngầm này cũng không đều, chỉ tập trung ở lưới trung thế khu vực trung tâm quận 1, 3; một phần lưới trung thế các quận 5, 8, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh…
Trong 2 năm 2003 - 2004, ngành điện đã thử nghiệm ngầm hóa lưới điện trên một số tuyến đường chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ… với khối lượng ngầm hóa chỉ chừng 3,2km lưới trung thế và 9,5km lưới hạ thế. Thế nhưng, điểm hạn chế lớn nhất là lúc bấy giờ thành phố chỉ chú ý ngầm hóa lưới điện thuần túy mà “quên” kết hợp ngầm hóa luôn hệ thống dây thông tin và chiếu sáng. Vì thế, hậu quả là mỹ quan đô thị không được cải thiện, tình trạng “mạng nhện” hầu như vẫn còn nguyên!
Ngầm hóa là tiêu chuẩn đô thị hiện đại
Trong vòng 2 năm trở lại đây, trước nhu cầu đòi hỏi phải chỉnh trang đô thị, TPHCM đã phải tái khởi động chương trình ngầm hóa lưới điện. Lần này các cơ quan chức năng không quên hệ thống dây thông tin các loại vốn dĩ thường ăn theo các trụ điện.
Bước đầu, ngành điện lực thành phố đã chọn tuyến đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Cư Trinh) để làm thí điểm ngầm hóa lưới điện. Mục đích chính của công trình ngầm hóa là cải thiện cảnh quan đô thị ở khu vực trung tâm, nhưng cũng đồng thời cải thiện giao thông đi lại trong khu vực. Từ đó góp phần làm tăng sức hấp dẫn đầu tư vào thành phố. Về phương án thi công, giải pháp hào kỹ thuật được chọn cho tuyến Trần Hưng Đạo được các chuyên gia xem là giải pháp ngầm hóa hiện đại do không phải đào đường khi cần phải sửa chữa sau này – một động tác rất phiền hà cho giao thông đi lại vốn náo nhiệt, sôi động tại thành phố.
Dự kiến hào kỹ thuật này sẽ chứa được tối đa 3 cáp trung thế, 3 cáp hạ thế, 9 ống cáp viễn thông tương đương khoảng 25 cáp viễn thông bên trong. Cáp điện hạ thế và cáp viễn thông được rẽ vào các tủ đặt trên lề đường bằng ống thông qua hào kỹ thuật với các lỗ chứa sẵn khi đúc. Các lỗ này được bít kín khi không sử dụng và được đục ra dễ dàng khi cần rẽ cáp. Đối với cáp trung thế, hào sẽ được thiết kế đặc biệt để đảm bảo đủ khoảng không bán kính cong cho phép của cáp. Cáp mắc điện hạ thế lắp đặt trong ống đi dọc theo mép nhà dân để luồn cáp phân phối đến từng hộ dân.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM Phạm Quốc Bảo cho biết, người dân được toàn quyền chọn lựa một trong hai giải pháp đấu nối vào hệ thống cáp ngầm: hoặc là cho dời đồng hồ điện ra phía ngoài nhà hoặc cho phép ngành điện đục tường để luồn cáp vào trong nhà.
Theo lộ trình, ngành điện sẽ hoàn tất xây dựng hào kỹ thuật thí điểm này trong tháng 12 năm nay. Sau đó các đơn vị có dây thông tin phối hợp ngầm hóa cùng ngành điện, hạn chót tháng 1-2010 phải hoàn tất. Ngành điện sẽ tháo dỡ thu hồi tất cả các trụ điện dọc theo hào kỹ thuật vào cuối tháng 1-2010.
Giai đoạn từ 2013 – 2020, thành phố sẽ ngầm hóa 100% lưới điện trung thế và 50% lưới điện hạ thế và dây thông tin khu vực quận 1, quận 3. Từ 2020 – 2030, hoàn tất cho các quận nội thành còn lại và các trung tâm hành chính huyện, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp. |